Ác hạch

Ác hạch hay còn gị là Kết Quan Tính Chỉ Mạc Viêm

Đại cương về ác hạch

Danh từ Ác Hạch phát xuất từ sách ‘Trửu Hậu Bị Cấp Phương’.

Trong y văn của Trung Quốc, có nhiều tài liệu đề cập đến chứng bệnh này.

Sách ‘Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’ viết: “Chứng ác hạch, ở sâu trong thịt có hạch có hình giống như trái ô mai, trái lê, nhỏ như hột đậu, phía da bên ngoài khô, ở cả hai bên phải và trái cơ thể, đột nhiên mọc lên, do phong tà hợp với độc gây nên… Không trị khỏi, độc tà nhập vào bụng, gây nên phiền muộn, sợ lạnh thì sẽ chết. Lâu ngày chữa không được thì sẽ vỡ ra”. Đời nhà Đường, sách ‘Thiên Kim Dực Phương’, ‘Y Tâm Phương’ cũng có bàn đến chứng này.

Hiện nay cho bệnh này là ‘Huyết Ngưng Kết Tiết Chứng’ (huyết ngưng trệ ở các khớp), thuộc loại ‘Bì Trung Kết Hạch’ (lao trong da) là một loại của ‘Mai Hạch Đơn’.

Nguyên Nhân

Do ăn uống không điều độ, thấp tà nội uẩn bên trong uất lại lâu ngày hóa thành độc làm ngăn trở kinh lạc, ngưng tụ ở bì phu, kết thành hạch cứng. Hoặc do Tỳ không kiện vận được khiến cho đờm thấp sinh ra ở bên trong, khí huyết bị trở ngại, suy kiệt, lâu ngày sinh ra bệnh.

1- Phong hợp với độc: Phong độc ở bên ngoài xâm nhập vào làm cho lạc mạch bị ngăn trở, làm cho âm dương mất quân bình, khí huyết không đều hòa, tụ lại ở bì phu gây nên hạch.

2- Uống phải thuốc có độc, hoặc dùng thuốc quá liều, hóa thành hỏa độc làm cho lạc mạch bị ngưng trệ gây nên hạch.

Chẩn Đoán Yếu Điểm

+ Tuổi từ 20-40, nữ nhiều hơn.

+ Bệnh thường phát ở tay chân, đôi khi gặp ở mông, đùi.

+ Da sờ thấy nóng, hạch to nhỏ không nhất định, nhỏ thì như hột đậu, lớn thì như hột đào, da và hạch dính liền nhau, có mầu đỏ, có khi bị phù. Khi có kinh nguyệt thì to hơn nhưng sau khi hết kinh thì nhỏ lại. Nốt hạch không lõm nhưng co lại như vết sẹo, có thể vỡ ra, chảy nước vàng.

+ Ảnh hưởng đến nội tạng: chủ yếu là bụng đau, bào quyết, phúc mạc viêm, gan sưng to, chức năng gan rối loạn, tâm bào viêm, không thấy sốt hoặc sốt cao. Gân cơ đau, các khớp đau.

Triệu Chứng

+ Phong Độc: trong da có đờm hạch, sưng, mềm, mầu đỏ, đau khác thường, có thể kèm sốt, lúc nóng lúc lạnh, lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng nhạt, mạch Phù Sác có lực.

Điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, giải độc tán kết. Dùng bài Ngưu Bàng Giải Độc Thang gia giảm: Ngưu bàng (sao), Kim ngân hoa, Liên kiều, Huyền sâm đều 10g, Hạ khô thảo 30g, Bối mẫu, Hải tảo, Thương truật đều 6g, Bạch hoa xà thiệt thảo, Đan sâm, Hổ trượng đều 15g, Bạc hà, Kinh giới đều 4,5g. Sắc uống.

+ Đờm Nhiệt: Da có cục cứng, dính liền với hạch, mầu hồng tối, có lúc đau lúc không, ấn vào đau không rõ, hạch có thể nung mủ, vỡ ra, kèm sốt, miệng khô, muốn nôn, nôn mửa, lưỡi đỏ sậm, rêu lưỡi hơi vàng bệu, mạch Huyền Hoạt.

Điều trị: Lý khí hóa đờm, thanh nhiệt tán kết. Dùng bài Ôn Đởm Thang gia giảm: Bán hạ (chế Gừng), Phục linh, Trần bì, Bối mẫu, Liên kiều đều 10g, Bạch giới tử (sao), Ngưu tất, Thanh bì, Quất lạc đều 6g, Trạch lan, Đương quy, Đan sâm, Xích thược đều 12g, Thanh mông thạch 15g, Thiên long 1 con.

+ Dược Độc: Trong da có cục cứng mầu đỏ tối, có thể loét ra, có thể kèm thở ngắn, thần trí hôn mê, không có sức, lưỡi đỏ sậm, rêu lưỡi ít, mạch Tế Sác.

Điều trị: Phù chính, thác độc, thanh nhiệt hộ âm. Dùng bài Tứ Diệu Dũng An Thang gia giảm: Hoàng kỳ (sống), Ngân hoa đều 15g, Cam thảo, Đương quy, Thạch hộc, Đan sâm, Liên kiều đều 10g, Thiên tiên đằng, Thủ ô đằng, Kê huyết đằng, Câu đằng, Nam bắc sa sâm đều 12g, Bối mẫu, Đởm nam tinh, Quất bì đều 6g.

Thuốc đắp: Xung Hòa Cao, Dấm, Rượu, Dầu đều 1/3, trộn đều, đắp mỗi ngày 2-3 lần. Nếu hạch loét ra dùng An Dương Thang.

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

+ Hóa Kiên Nhị Trần Thang gia giảm:

Trạch lan, Phục linh, QQương quy vĩ đều 12g, Liên kiều, Ngân hoa, Hoàng cầm, Thanh bán hạ, Trần bì, Khương hoàng đều 10g, Bản lam căn 15g. Sắc uống.

+ Xà Thiệt Nhị Căn Thang:

Ngưu bàng tử (sao), Ngân hoa, Liên kiều, Mao độc căn, Trà thụ căn, Xà thiệt thảo, Thương truật (chế), Hải tảo, Đan sâm, Hổ trượng, Thổ phục linh, Tang chi. Sắc uống.

+ Ngũ Đằng Thang gia giảm:

Thiên tiên đằng, Thủ ô đằng, Kê huyết đằng đều 15g, Câu đằng, Thạch hộc, Hậu phác, Xích thược, Liên kiều, Đại thanh diệp, Ngân hoa đều 10g, Đại hoàng 5-10g, Đan sâm 18g. Sắc uống.

Tham Khảo

Chu Nhân Khang cho rằng: “Bệnh này thuộc loại nhiệt độc ứ trở ở lạc, khí trệ huyết ứ gây nên. Thuộc loại ‘Đơn’ của trung y. Cách trị dùng Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ. Dùng Ngân hoa, Liên kiều, Sơn chi, Đại thanh diệp để thanh nhiệt giải độc; Sinh địa, Thiên hoa phấn để dưỡng âm thanh nhiệt; Đương quy vĩ, Xích thược, Đào nhân, Hồng hoa, Nhũ hương (nướng), Một dược (nướng) để hoạt huyết hóa ứ; Khương hoàng để phá huyết, hành khí. Sau khi uống thuốc, thấy bệnh giảm, có thể uống cách ngày, uống lâu dài, mỗi năm phát bệnh một lần, uống cho đến khi khỏi, không thấy tái phát nữa”.

Bệnh Án Ác Hạch

(Trích trong ‘Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học’).

Lâm X, nam, 7 tuổi. Nhập viện ngày 4-10-1964. Gần hai năm nay, tại vùng bụng bị sưng đỏ, đau, kèm sốt cao. Bệnh viện chẩn đoán là Chỉ Mạc Viêm (ác hạch). Kiểm tra thấy thân nhiệt 37,20C. tại vùng bụng dưới có thể thấy giống vết ban, mầu đỏ tối, đường kính khoảng 3 x 6mm, đau không rõ rệt. Mạch Hoạt, rêu lưỡi hơi vàng.

Chứng này thuộc nhiệt độc ngăn trở lạc, khí trệ huyết ứ.

Điều trị:

Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ. Dùng Sinh địa 15g, Ngân hoa, Liên kiều, Chi tử, Thiên hoa phấn, Đại thanh diệp, Quy vĩ, Xích thược, Đào nhân đều 9g, Hồng hoa, Nhũ hương (nướng), Một dược (nướng) đều 6g, Khương hoàng 4,5g. Sắc uống.

Tái khám:

Sau khi uống 4 thang, nốt sưng đỏ tiêu mất, không còn đau, cơ thể sốt. Dùng bài thuốc trên thêm Tử địa đinh, Đan sâm đều 9g, Xuyên phác 4,5g. Uống hơn 10 thang, 3 năm sau bị tái lại.

Ngày 13-7-1967, trước khi bị bệnh, vùng bụng có khối u sưng, mầu hơi đỏ, đau, có sốt, rêu lưỡi vàng bệu, mạch Hoạt hơi Sác. Cũng dùng bài thuốc trên, thêm thuốc lợi thấp như Hoàng cầm, Ý dĩ nhân, Xích linh đều 9g. Uống 3 thang, khối u tan mất. Để tránh tái phát, cho dùng Long Đởm Tả Can hoàn và Nhị Diệu Hoàn uống xen kẽ. Tháng 8 năm 1968 khám lại: tại hông sườn, vú bên phải, vùng bụng dưới bên phải thấy nổi lên vết ban nhỏ, ấn nhẹ thấy đau. Vùng đau và toàn thân đều giảm” (Chu Nhân Khang Lâm Sàng Kinh Nghiệm Tập).

Viết một bình luận