Định Nghĩa
Trĩ là một bệnh mạn tính do các mạch trực tràng hậu môn bị giãn và xung huyết. Tĩnh mạch xung huyết thành một búi hoặc nhiều búi, tùy vị trí tĩnh mạch ở trực tràng hay hậu môn, được phân chia trên lâm sàng thành trĩ nội hay trĩ ngoại.
Nguyên nhân gây ra trĩ có nhiều: Viêm đại tràng mãn tính gây táo bón thường xuyên đại tiện rặn nhiều, viêm gan, xơ gan mạn tính gây xung huyết tĩnh mạch, các bệnh nghề nghiệp do đứng lâu, ngồi lâu, mang vác nặng, người già phụ nữ đẻ nhiều lần, có chửa làm trương lực cơ hành bụng, thành tĩnh mạch bị giảm gây giãn tĩnh mạch v.v….
Vì xung huyết dễ gây thoát quản, chảy máu, làm người bệnh thiếu máu, vì bội nhiễm nên người bệnh có triệu chứng nhiễm trùng. Trên lâm sàng, căn cứ vào tình trạng các búi trĩ, xuất huyết và nhiễm trùng để phân loại thể bệnh và cách chữa bệnh.
Phác đồ điều trị
Chỉ định
Bệnh nhân trĩ chưa có chỉ định ngoại khoa.
Trĩ nội thể huyết ứ và thể thấp nhiệt.
Chống chỉ định
Bệnh nhân trĩ có chỉ định ngoại khoa.
Bệnh nhân không hợp tác điều trị.
Chuẩn bị
1. Cán bộ thực hiện: Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
2. Phương tiện:
Máy điện châm hại tần số bổ, tả.
Kim châm cứu vô trùng loại 6 – 20cm, dùng riêng cho từng người bệnh.
Khay men, kẹp bông có mấu, bông, cồn 70°.
3. Người bệnh:
Được tư vấn, giải thích trước khi vào điều trị.
Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.
Tư thế người bệnh nằm ngửa, gối cao hoặc ngồi.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh nhân được khám và làm bệnh án theo quy định.
Các bước tiến hành
1. Phác đồ huyệt đạo:
Bách hội -> Thượng đỉnh | Trật biên -> Bạch hoàn du |
Đại trường du -> Tiểu trường du | Thứ liêu -> Bạch hoàn du |
Bàng cường -> Châm song song ống hậu môn | |
Túc tam lý -> Giải khê | Tam âm giao -> Thừa sơn |
2. Thủ thuật:
Bước 1: Xác định và sát khuẩn da vùng huyệt
Bước 2: Chậm kim vào huyệt theo các thì sau:
Thì 1: Tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt;
Tay phải chậm kim nhanh qua da vùng huyệt.
Thì 2: Đẩy kim từ từ theo huyệt đạo, kích thích kim cho đến khi đạt “Đắc khí” (bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt).
Bước 3. Kích thích huyệt bằng máy điện châm Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ – tả của máy điện châm:
Tần số (đặt tần số cố định): Tần số tả từ 5 – 10Hz, Tần số bổ từ 1 – 3Hz.
Cường độ: nâng dần cường độ từ 0 đến 150 microAmpe (tuỳ theo mức chịu đựng của người bệnh).
Thời gian: 20- 30 phút cho một lần điện mãng châm.
Bước 4. Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.
3. Liệu trình điều trị
Điện mãng châm ngày một lần
Một liệu trình điều trị từ 15 – 30 lần.
Theo dõi và xử lý tai biến
1. Theo dõi: Toàn trạng và diễn biến của người bệnh.
2. Xử lý tai biến:
Vựng châm: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
Xử trí: rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp.
Chảy máu khi rút kim: dùng bông khô vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.