Tân dịch (chất lỏng trong là tân, dẻo là dịch)
1. Nguồn gốc và công năng của tân.
Tân là một chất lỏng trong cơ thể con người do tinh khí của thủy cốc hóa thành, nó theo khí của tam tiêu, rải ra khắp khoảng giữa cơ bắp và da dẻ để nuôi ấm bắp thịt, làm mềm da dẻ, lông tóc. Mồ hôi và nước tiểu là do tân hóa thành, bài tiết quan lỗ chân lông là mồ hôi, vào trong bàng quang là nước tiểu. Do đó nói mồ hôi và nước tiểu có cùng nguồn gốc. Tân bị tổn thương thì mồ hôi tất sẽ ít, ngược lại, bài tiết nước tiểu hoặc mồ hôi quá nhiều cũng làm tổn thương tân. Trên lâm sàng, nhiều mồ hôi thì mất tân. Sau khi nôn nhiều, ỉa nhiều thì cấm phát hãn (không làm cho ra mồ hôi) cũng là vì nguyên nhân này.
2. Nguồn gốc và công năng của dịch
Dịch là do thủy cốc hóa sinh, theo huyết dịch đi qua mạch, thấm qua thành mạch ra ngoài, chứa ở não, tủy và khớp, làm trơn khớp, bổ ích não tủy, mềm mại tai, mắt, mồm, mũi.
Tân và dịch tuy cùng nguồn gốc nhưng có phân biệt trong, đục lỏng, dẻo. Tân trong mà lỏng, theo khí của tam tiêu ra biểu, dịch dính mà đục (niêm dịch) nó lưu hành ở giữa khớp và gân xương.
Tân và dịch tuy có phân riêng là chủ biểu và chủ lý, nhưng cũng là thủy cốc hóa ra, cả hai vốn thuộc một thể, vì vậy, trên lâm sàng cũng không phân chia khắt khe mà thường gọi chung là “tân dịch”.
3. Tuần hoàn của tân dịch
Tân dịch thấm ra ngoài để giữ tươi, mềm thịt, da, gân, xương,não, tủy, và các bộ phận trong, ngoài khác. Ở các bộ phận thừa nhiều nước thì thành ra mồ hôi và nước tiểu mà bài tiết ra ngoài, còn tân dịch thì thấm vào tôn lạc quy lại trong kinh mạch, là một bộ phận cấu thành của huyết dịch, hình thành sự hoàn lưu của tân dịch.